XaaS là gì?

XaaS là viết tắt của ‘Anything as a service'(tất tật là dịch vụ), một mô hình kinh doanh phổ biến trong lĩnh vực công nghệ thông tin (và giờ là cả các lĩnh vực khác trong cuộc sống). Ý tưởng chung ở đây là chuyển giá trị sở hữu sang giá trị sử dụng của các sản phẩm.

XaaS thường được liên tưởng đến các công ty công nghệ, tuy nhiên việc ‘thuê’ dịch vụ đã tồn tại từ lâu trong lịch sử phát triển của chúng ta. Từ ‘Subscription’ xuất hiện từ thế kỉ XX trong ngành báo chí, khi người ta trả tiền mua báo theo năm cho các tòa soạn để hưởng các ưu đãi giảm giá. Hay việc thuê nhà, thuê đất, nhân công cũng đã có từ lâu. Sang những năm đầu thế kỉ XXI, với sự phát triển của Internet, XaaS mới lên một tầm cao mới, trở thành một mô hình kinh doanh thành công của các ông lớn trong ngành công nghệ thông tin như Google, Amazon, rồi sau đó sang các lĩnh vực khác như Uber, AirBnB… 

IaaS, PaaS, SaaS… 

Đây là ba mô hình ‘as a Service’ phổ biến nhất. Để phân biệt sự khác nhau, ở đây ta chia làm hai phần (trách nhiệm): Khách hàng (người sử dụng) và Nhà cung cấp dịch vụ. Mình mượn hình minh họa của Rehat ở đây để giải thích (các bạn có thể google là ra ngay).


(hình minh họa từ Redhat – internet)

Theo cách truyền thống, nghĩa là muốn sử dụng gì thì phải đầu tư từ đầu. Bạn bỏ tiền mua từ phần cứng, máy chủ, mạng, hệ điều hành, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu… đến cả việc cung cấp điện, điều hòa cho phòng máy, kiêm luôn phòng cháy chữa cháy và bảo vệ. Ưu điểm là gì? bạn ‘kiểm soát’ mọi thứ theo ý của bạn. Nhưng ngược lại, bạn phải tốn nhiều công sức và tiền bạc để đầu tư và duy trì hệ thống hoạt động như bạn muốn. Theo thời gian, việc nâng cấp, thay thế cũng do bạn làm luôn. Thêm nữa, việc đầu tư ban đầu thường phải tính luôn việc mở rộng về sau, do đó thường là dư thừa công suất dẫn đến lãng phí. Khi dữ liệu ngày càng nhiều, thì bạn sẽ phải mở rộng thêm cơ sở hạ tầng (thêm server, thêm ổ cứng hoặc thậm chí thêm datacenter). Đấy là mô hình On-site hoặc On-Premise trên hình minh họa.

Đến đây, bạn thấy không nhất thiết phải đi quản lý hạ tầng cho mất công. Bạn chỉ cần ‘kiểm soát’ từ hệ điều hành trở lên thôi, còn hạ tầng để chạy nó thì thuê. Chẳng hạn bạn lên AWS hay Azure, chỉ cần cấu hình con server với sức mạnh đủ theo yêu cầu của bạn là xong. Đó là IaaS, bạn giao việc đầu tư quản lý hạ tầng cho nhà cung cấp. Bạn vẫn phải quản lý khá nhiều thứ trừ hạ tầng phần cứng, điện, điều hòa, mạng… Nhà cung cấp (AWS, Azure…) sẽ tính tiền thuê các hạ tầng này, hóa đơn gửi đều hàng tháng như tiền điện nước. Bạn sẽ lo lắng không biết hạ tầng này tin cậy không, nhưng yên tâm, các nhà cung cấp đều có SLA (Service Level Agreement) cam kết chất lượng dịch vụ (thường là uptime) cho bạn.

Tuy vậy, các công việc như cài đặt, nâng cấp, vá lỗi hệ điều hành, hạ tầng cơ sở dữ liệu cũng tốn không ít thời gian và công sức trước khi hệ thống có thể đi vào vận hành trơn tru. Bạn muốn nhanh hơn, nhất là phải làm việc với số lượng user lớn. Bạn chỉ muốn tập trung quản lý ứng dụng, dữ liệu, App… thôi. Đó là PaaS, Platform as a Service. Nhà cung cấp lo thêm việc cho bạn, hay nói cách khác bạn thuê họ làm.

Bạn muốn đơn giản hơn nữa, thuê hết. Chỉ cần cấu hình và dùng luôn ứng dụng. Đó là SaaS, Software as a Service. Ví dụ như Office365, bạn thuê và dùng luôn Word, Excel… ngay lập tức. Bạn chỉ quan tâm sử dụng app thôi, còn lại nhà cung cấp lo hết từ hạ tầng, nền tảng để chạy ứng dụng, cập nhật vá lỗi cho ứng dụng. Dĩ nhiên, bạn thuê nhiều hơn, bạn trả tiền nhiều hơn.

Như vậy, Từ On-Premise đến SaaS, bạn đang chuyển từ việc sở hữu và chịu trách nhiệm toàn bộ hạ tầng sang việc sử dụng các hạ tầng và ứng dụng mà mình cần. Việc sở hữu chuyển sang sử dụng (service). Với sự phát triển của Internet từ tốc độ đường truyền đến sự phong phú về ứng dụng, XaaS ngày càng đa dạng hơn và dễ sử dụng hơn cho tất cả mọi người. Đối với người sử dụng: triển khai nhanh, chi phí ban đầu thấp (chỉ trả phí thuê thay vì đầu tư toàn bộ hạ tầng), mở rộng hoặc thu hẹp các dịch vụ nhanh chóng (ví dụ: số User tăng lên thì thuê thêm, ít đi thì giảm lại), chất lượng dịch vụ được đảm bảo (theo cam kết của nhà cung cấp). Người sử dụng, thay vì tốn nguồn lực đi làm các việc không ‘value-add’ vào việc kinh doanh của mình thì đem nguồn lực tập trung vào việc có giá trị hơn. Đối với nhà cung cấp: Hạ tầng cho nhiều người thuê, nên hiệu quả sử dụng cao hơn (cũng giúp giá cho thuê giảm – win win), giảm chi phí kinh doanh (với lượng khách hàng ổn định) gia tăng lợi nhuận. Cơ hội mở rộng kinh doanh với các dịch vụ mới.

Với việc môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng, XaaS là mô hình hợp tác win-win giữa người sử dụng và nhà cung cấp. Ngày càng nhiều các công ty ở các lĩnh vực khác nhau chuyển sang hướng XaaS để gia tăng lợi thế cạnh tranh của mình.

Giáp Văn Vỹ

Sep-2021

About JAP AUTOMATION BLOG

The more we share, the more we get
This entry was posted in Tổng hợp and tagged , , , . Bookmark the permalink.

Comment

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s