Ảo tưởng về năng lực, hay có mối quan hệ nào giữa năng lực và sự tự tin của chúng ta nói chung ? Vừa rồi mình có đọc cuốn Think Again của Adam Grant, có nói về hiệu ứng Dunning – Kruger này khá thú vị nên mới tìm hiểu thử.
Hiệu ứng Dunning – Kruger là nghiên cứu của hai nhà tâm lý học Mỹ là Dunning và Kruger. Nghiên cứu tìm hiểu mức độ nhận thức sai lệch về năng lực của chúng ta. Chúng ta thường có khuynh hướng đánh giá cao hiểu biết và năng lực của chính mình so với năng lực thực tế. Không chỉ thế, chúng ta còn có khuynh hướng đánh giá năng lực của mình cao hơn người khác.
Hiệu ứng Dunning – Kruger được minh họa bằng đồ thị sau đây. Trục hoành là năng lực, hiểu biết (competence) từ mức 0 đến chuyên gia. Trục tung là mức độ tự tin từ thấp lên cao.
Hãy bắt đầu đi dọc theo trục hoành nằm ngang, về một chủ đề nào đó. Từ lúc chưa biết gì, dĩ nhiên tự tin lúc đó cũng chưa có gì rồi, đến lúc biết một ít thì tự tin cao lên vời vợi, lên đến ‘đỉnh ngu dốt’(mount stupid), nghĩ là mình đã biết tất cả rồi. Điều thú vị là nhiều người dừng lại ở đây, không tìm hiểu gì nữa (vì nghĩ mình hiểu hết rồi mà). Tiếp tục tìm hiểu tiếp, năng lực tăng lên, tự tin rơi xuống ‘thung lũng tuyệt vọng’ (valley of despair), vì càng tìm hiểu, càng thấy nhiều cái mình chưa biết, càng thấy cái mình tưởng đúng lại là sai…. Tiếp tục đi nữa, năng lực tăng lên và tự tin cũng tăng lên theo cho đến mức ổn định, năng lực và tự tin tương đồng với nhau.
Hiệu ứng Dunning – Kruger ảnh hướng đến ai? Tất cả chúng ta. Cho nên việc nhận ra nó ít nhiều giúp ích bản thân mình trong trong việc nhận ra các giới hạn và vượt qua nó. Năng lực để nhận biết cái mình không có năng lực hay khả năng nhận biết cái mình không biết là điều rất khó. Cũng từ đồ thị trên, một cách để giúp chúng ta vượt qua đó là không ngừng học hỏi, nâng cao, mở rộng hiểu biết của mình. Ngoài ra cũng cần sự phản hồi từ những người xung quanh để giúp mình biết cái mình hạn chế hoặc không biết.
Giáp Văn Vỹ
Sep 2021