7-OCT:
(Bài 1 và Bài 2 được tổng hợp và đăng trên tạp chí Tự Động Hóa Ngày Nay: Tại sao các công ty sản xuất cần MES? – Tạp chí tự động hóa ngày nay | Automation today (vnautomate.net))
Môi trường kinh doanh và công nghệ luôn thay đổi từng ngày, việc duy trì hiệu quả sản xuất, tiết giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường luôn là mục tiêu hàng đầu của các nhà sản xuất. MES ra đời cũng không ngoài mục đích hiện thực các mục tiêu này.
MES Cơm vs MES ‘công nghệ’
Nếu là một doanh nghiệp sản xuất, bạn đã có MES rồi. Hãy nhìn lại 11 chức năng của mô hình MESA-11, các chức năng này là thiết yếu cho hầu hết doanh nghiệp sản xuất. Những chức năng như quản lý chất lượng, quản lý nhân công hay quản lý bảo trì đều có hầu hết trong doanh nghiệp sản xuất. Chỉ khác, bạn đang chạy 11 chức năng này như thế nào mà thôi. Với rất nhiều doanh nghiệp, việc thực hiện các chức năng này đều có các phòng ban liên quan với nhân sự cụ thể phụ trách, với các form báo cáo phải hoàn thành hàng ngày, hàng tuần. Mọi việc trao đổi qua email, điện thoại, ghi chép thủ công. Cho nên, nhiều người gọi đùa là MES cơm là vậy.
Từ MESA-11, các doanh nghiệp đã bắt đầu số hóa các công việc thủ công của các chức năng MES bằng các công cụ, hệ thống phần mềm. Từ đó các hệ thống MES ra đời, là các công cụ phần mềm giúp quản lý, giám sát, đồng bộ thời gian thực việc điều hành sản xuất từ nguyên liệu đầu vào, bán thành phẩm, và thành phẩm đầu ra; ngoài ra nó còn tích hợp với ERP để cung cấp các báo cáo sản xuất kịp thời nhất. MES ‘công nghệ’ dần thay thế cho MES cơm.
Khu vực sản xuất, từng được xem như là “hộp đen” dưới cái nhìn của ERP. Các phòng ban sản xuất cập nhật báo cáo thủ công vào ERP theo các thời gian cố định, hoặc theo các sự vụ (event). Việc thiếu đồng bộ thông tin giữa các chức năng, phòng ban luôn là trở ngại lớn khi các cấp lãnh đạo phải ra quyết định nhanh chóng (vì phải chờ báo cáo, tổng hợp báo cáo…). Các hãng ERP cũng cho ra đời các module ‘quản lý sản xuất’ nhưng phần lớn chỉ phục vụ cho việc báo cáo của ERP hơn là thực sự là một hệ thống MES đầy đủ.
Trong khi đó, SCADA cũng làm được một số việc như báo cáo sản xuất. SCADA lấy thông tin từ các bộ PLC, cung cấp thông tin thời gian thực, chi tiết vận hành của máy. Nhưng giới hạn của nó chỉ cho một máy hoặc một khu vực hay một quy trình trong nhà máy mà thôi.
MES công nghệ giải quyết nhanh vấn đề này vì nó hoạt động như một nền tảng chung bao phủ mọi hoạt động sản xuất. Do vậy, việc ứng dụng MES ngày càng phổ biến.
Cơ hội cải tiến sản xuất
4 cơ hội cải tiến trong hầu hết các doanh nghiệp sản xuất mà MES sẽ hỗ trợ rất tốt: (1) Tăng tốc việc xử lý báo cáo và ra quyết định, (2) Kiểm soát chi phí nguyên liệu và nhân công, (3) Trực quan hóa việc vận hành sản xuất,và (4)Nâng cao chất lượng.
Có nhiều dữ liệu chưa chắc đã có nhiều thông tin. Việc xử lý dữ liêu báo cáo nhanh chóng và hiệu quả sẽ giúp doanh nghiệp ra quyết định nhanh và chính xác để đáp ứng sự thay đổi của khách hàng. Khi mà các doanh nghiệp chuyển sang sản xuất linh hoạt (agility) thì việc có thông tin kịp thời, toàn diện là rất quan trọng. MES rõ ràng giúp ích trong trường hợp này bởi nó có thể tự động hóa việc báo cáo sản xuất nhanh chóng.
Kiểm soát chi phí nguyên vật liệu ở đây không có nghĩa là kiếm được nguồn giá tốt hơn, mà quan trọng là nguyên liệu sẵn có đúng thời điểm cần sản xuất. Rất nhiều nhân công bị lãng phí trong sản xuất bởi thời gian chờ nguyên vật liệu. MES cung cấp rất tốt các thông tin từ kho nguyên vật liệu, hiện trạng máy sản xuất, hiện trạng nhân công nên sẽ giúp rất nhiều trong việc kiểm soát tốt các chi phí này.
Trực quan hóa vận hành sản xuất nghĩa là thấy bức tranh tổng thể của các quy trình sản xuất, việc gì đang diễn ra, ở đâu, bởi ai…để sản xuất không là các hộp đen quy trình kết nối với nhau. Như vậy sẽ giúp cho quản lý sản xuất nhanh chóng xác định điểm nghẽn cổ chai hoặc dự đoán tốt hơn về các tình huống sắp tới.
Cuối cùng là nâng cao chất lượng. Chất lượng sản phẩm phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong sản xuất trên chặng đường chuyển hóa từ nguyên liệu thô đầu vào đến thành phẩm đầu ra. Bằng việc phân tích các dữ liệu, thông tin trong suốt hành trình này, nhà máy có cơ hội tìm ra các điểm mình có thể thay đổi để nâng cao chất lượng, giảm hao phí nguyên vật liệu, tiết kiệm chi phí.
MES cho mọi nhà
Công ty tôi nhỏ quá, ứng dụng hệ thống MES vào không phù hợp vì MES rất phức tạp và đắt đỏ ? Không ít người có quan điểm như vậy. Điều đó đúng 20 năm về trước, không phải thời điểm hiện tại.
Với sự sự thay đổi nhanh chóng trong công nghệ thông tin, các hệ thống MES ngày càng đa dạng và dễ dàng tiếp cận cho doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau. Các hệ thống MES đã module hóa, hoặc được thiết kế cho các ngành công nghiệp riêng biệt.
Việc triển khai MES cũng đa dạng không kém. Hiện tại MES có thể triển khai trên Cloud hoặc là một SaaS (Software as a Service, ví dụ như Office 365). Doanh nghiệp không phải lo ngại về hệ thống Server cồng kềnh đắt đỏ hoặc một bộ phận IT để quản lý các hệ thống này.
Có thể nói, mọi doanh nghiệp sản xuất dù lớn hay nhỏ đều có thể ứng dụng MES. Để quyết định đầu tư hệ thống MES cho công ty mình hay không nằm ở bài toán ROI – tỷ suất hoàn vốn (Return on investment). Các nhà cung cấp MES thường có các công cụ tính toán này để hỗ trợ cho khách hàng của mình.
Giáp Văn Vỹ
Oct – 2021